THỰC HIỆN HAI NGHIÊN CỨU ĐÓNG GÓP CHO VIỆC XÂY DỰNG VÀ THỰC THI LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC SỬA ĐỔI

31/03/2023 | Viết bởi: CECR

     Thời gian vừa qua, trong khuôn khổ Dự án “Chung tay Hành động Bảo vệ Nguồn nước” (CAWACON) do USAID tài trợ, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) triển khai, nhóm chuyên gia và nhà khoa học của Mạng lưới Bảo tồn Nguồn nước Việt Nam (VIWACON) đã triển khai thực hiện 02 nghiên cứu để đóng góp cho việc xây dựng dự thảo và thực thi Luật Tài nguyên nước (TNN) sửa đổi. 

  • Nghiên cứu 1 “Khuyến khích áp dụng kinh tế tuần hoàn tài nguyên nước và tái sử dụng nước trong xây dựng và thực thi Luật Tài nguyên nước sửa đổi”. Nhóm nghiên cứu do PGS.TS. Hoàng Thị Thu Hương làm Trưởng nhóm; các thành viên bao gồm: PGS.TS. Lê Hà Thanh, PGS.TS. Đỗ Khắc Uẩn, TS. Nguyễn Thị Lan Phương, và TS. Võ Thị Lệ Hà. Nghiên cứu đã tổng hợp cơ sở lý luận và thực tiễn về Kinh tế tuần hoàn Tài nguyên nước (KTTH TNN) và tuần hoàn tái sử dụng nước. Nhóm chuyên gia tiến hành rà soát hệ thống chính sách, đánh giá thực trạng và tiềm năng công nghệ xử lý nước thải trong việc hỗ trợ kỹ thuật ứng dụng KTTH TNN và tuần hoàn tái sử dụng nước ở Việt Nam. Qua đó, đề xuất một số nội dung cụ thể cho việc xây dựng và thực thi Luật TNN sửa đổi về tuần hoàn, tái sử dụng nước và khuyến khích áp dụng KTTH TNN. 
  • Nghiên cứu 2 “Đóng góp xây dựng Luật Tài nguyên nước sửa đổi từ thực tiễn thực thi Luật tài nguyên nước 2012 tại thành phố Đà Nẵng”. Nhóm nghiên cứu do ThS. Huỳnh Thị Liễu Hoa làm Trưởng nhóm; các thành viên: TS. Lê Năng Định, ThS. Đặng Nguyễn Thục Anh, ThS. Võ Thị Hồng Thoa và KS. Nguyễn Trọng Thanh. Nghiên cứu tập trung đánh giá khái quát tình hình triển khai thực hiện Luật TNN 2012, xác định những hạn chế, bất cập còn tồn tại cần được khắc phục; Nghiên cứu, tham vấn, tổng hợp và đưa ra các khuyến nghị sửa đổi 03 nhóm chính sách bao gồm: Trách nhiệm, vai trò của cộng đồng dân cư trong việc sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước; Minh bạch, công khai thông tin bảo đảm quyền về tiếp cận thông tin và phục vụ mục tiêu giám sát của cộng đồng trong việc bảo vệ tài nguyên nước; Tổ chức lưu vực sông và quản lý tổng hợp lưu vực sông trong dự thảo Luật TNN sửa đổi để phù hợp với định hướng phát triển và điều kiện của Việt Nam cũng như trong triển khai thực thi Luật này. Qua đó, nghiên cứu hướng đến góp phần hoàn thiện dự thảo Luật TNN sửa đổi, tạo hành lang pháp lý để tổ chức lưu vực sông hoạt động hiệu quả, tăng cường minh bạch thông tin, đề cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước. 

     Sau thời gian thực hiện, bằng các cách tiếp cận và các phương pháp nghiên cứu khoa học, mang tính chuyên môn cao, nội dung của 02 nghiên cứu đã nhận được phản hồi tích cực từ các thành viên trong “Hội đồng quản lý nghiên cứu đóng góp cho việc xây dựng và thực thi Luật Tài nguyên nước sửa đổi” tại “Chương trình họp thẩm định các nghiên cứu đóng góp cho việc xây dựng và thực thi Luật Tài nguyên nước sửa đổi” tổ chức ngày 29/03/2023. 

Hình ảnh của Chương trình họp thẩm định ngày 29/03/2023

     Chương trình được tổ chức theo hình thức họp trực tiếp kết hợp trực tuyến tại văn phòng CECR với sự tham gia của Hội đồng quản lý nghiên cứu do PGS.TS Trương Mạnh Tiến làm Chủ tịch và TS. Nguyễn Khắc Hùng- Giám đốc Trung tâm CECR- Trong vai trò Phó Chủ tịch; và các thành viên của 02 nhóm nghiên cứu;  

     Cuối Chương trình, Hội đồng biểu quyết thống nhất và thông qua 02 nghiên cứu. Bên cạnh đó, các thành viên trong hội đồng đều đánh giá cao tính lý luận và thực tiễn của hai nghiên cứu; và hy vọng, sẽ đóng góp tích cực cho việc xây dựng dự thảo và thực thi Luật TNN sửa đổi.