22/06/2023 | Viết bởi: PV – Tạp chí Kinh tế Môi trường
“Cùng nhau, chúng ta thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thử nghiệm để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường với các mô hình, sáng kiến có tiềm năng lớn để nhân rộng tại Việt Nam”, ông Bradley Bessire nói.
Ngày 21/6, tại Đà Nẵng, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP. Đà Nẵng phối hợp cùng với Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR), Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub), Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn), Tổ chức Quốc tế Winrock, tổ chức Hội thảo quốc tế “Sáng kiến địa phương: Hợp tác và Phát triển vì Môi trường Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Chương trình Sáng kiến địa phương do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.
Lễ bàn giao kết quả sáng kiến địa phương dành cho 5 dự án đã diễn ra trong khuôn khổ Hội thảo. (Ảnh: USAID)
Tham dự Hội thảo về phía USAID có ông Bradley Bessire – Phó Giám đốc USAID tại Việt Nam; bà Annie Walface – Giám đốc Văn phòng Biến đổi khí hậu, năng lượng, môi trường (USAID); bà Joyce Friedenberg – Điều phối viên trưởng Chương trình Sáng kiến địa phương tại Hoa Kỳ; cùng nhiều đại biểu, lãnh đạo các tổ chức Quốc tế.
Về phía các cơ quan trung ương và địa phương có bà Nguyễn Thúy Anh – Trưởng phòng Công tác Quốc tế (Cục quản lý tài nguyên nước – Bộ TN&MT); ông Phạm Hồng Sơn – Chi cục trưởng, Chi cục kiểm soát môi trường, ô nhiễm môi trường miền Trung và Tây Nguyên; ông Nguyễn Trung Thắng – Phó Viện trưởng Viện chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường; ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An; bà Lê Thị Thu Hạnh – Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP. Đà Nẵng; ông Võ Nguyên Chương – Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng; ông Nguyễn Khắc Hùng – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng; PGS.TS Trương Mạnh Tiến – Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường; cùng nhiều đại diện doanh nghiệp và khách mời.
Đây là sự kiện nhằm tổng kết những kết quả đạt được từ nỗ lực chung của các bên trong hơn 7 năm qua nhằm giải quyết những thách thức về ô nhiễm môi trường tại Việt Nam.
Chương trình Sáng kiến Địa phương (Local Works) là một trong những chương trình tiên phong của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trong việc tăng cường hợp tác với các đối tác tại địa phương và lấy đối tác địa phương làm trung tâm để hỗ trợ giải quyết các thách thức nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường thông qua các hành động chung tay.
Sáng kiến là tiền đề cho phát triển bền vững
Hội thảo nhằm tổng kết, chia sẻ các kết quả và bài học của quá trình thúc đẩy sự tham gia của các bên, các ngành, đặc biệt là cộng đồng dân cư và doanh nghiệp cùng chung tay giải quyết các vấn đề môi trường như bảo vệ nguồn nước, quản lý rác thải, cung cấp nước sạch, và bảo vệ môi trường không khí tại địa phương. Từ đó đưa ra các khuyến nghị cho phát triển và triển khai các dự án trong tương lai nói chung và của TP. Đà Nẵng nói riêng, đồng thời tăng cường hợp tác giữa các đối tác để hỗ trợ triển khai hiệu quả Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường”.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Bradley Bessire – Phó Giám đốc USAID Việt Nam cho biết, việc lựa chọn TP. Đà Nẵng để tổ chức cuộc hội thảo lần này nhằm tổng kết, chia sẻ các kết quả và bài học của quá trình thúc đẩy sự tham gia của các bên, các ngành, đặc biệt là cộng đồng dân cư và doanh nghiệp chung tay giải quyết các vấn đề môi trường, như bảo vệ nguồn nước, quản lý rác thải, cung cấp nước sạch, bảo vệ môi trường không khí tại địa phương. Từ đó sẽ đưa ra các khuyến nghị cho phát triển và triển khai các dự án trong tương lai nói chung.
Ông Bradley Bessire – Phó Giám đốc USAID Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo.
Không chỉ tổng kết những kết quả đạt được từ nỗ lực chung mà Hội thảo còn hướng về tương lai bằng việc bàn giao những mô hình, sản phẩm thành công từ các dự án do USAID tài trợ sang cho chính quyền địa phương để tiếp tục duy trì.
“Cùng nhau, chúng ta thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thử nghiệm để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường với các mô hình, sáng kiến có tiềm năng lớn để nhân rộng tại Việt Nam”, ông Bradley Bessire nói.
Nhiều đơn vị chung tay cùng hành động
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh GreenHub cho biết, trong vòng 3 năm, đơn vị đã làm việc cùng 492 đối tác địa phương, trong đó có 175 doanh nghiệp. Với số lượng đối tác lớn, đa dạng như vậy, thách thức mà đơn vị gặp phải không ít. Tuy vậy, việc tôn trọng đối tác, hai bên cùng có lợi và cùng hướng đến mục tiêu chung là những phương châm được đặt lên hàng đầu. Bởi vậy, bên cạnh nguồn lực tài chính từ nhà tài trợ, dự án đã huy động thêm hơn 70.000 USD từ các đối tác khác.
“21 mô hình/sáng kiến giảm rác thải nhựa thí điểm đã được triển khai với đa dạng hình thức như mô hình chợ sinh thái, khu dân cư giảm rác thải nhựa, trường học xanh hay chùa tuần hoàn rác. Tất cả các ý tưởng này đều đến từ các đối tác địa phương phù hợp với thực tế và sản phẩm kinh doanh tuân theo cơ chế thị trường vì vậy những mô hình này sẽ phát triển một cách bền vững dù cho dự án có kết thúc”, bà Nguyễn Thị Thanh Vân chia sẻ.
Tại Hội thảo, ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng cho biết, giai đoạn 2020 – 2025, địa phương đã tiếp nhận, chủ trì tham mưu tổ chức triển khai 3 dự án hỗ trợ kỹ thuật về công tác bảo vệ môi trường thuộc Chương trình Sáng kiến Địa phương (Local Works) của USAID khởi xướng và được các tổ chức kỹ thuật thực hiện.
Trong đó, hơn 25 sáng kiến về bảo vệ môi trường được nghiên cứu, 14 đối tác địa phương trực tiếp xây dựng, 19 tổ chức được huy động, 4 tổ chức khoa học kỹ thuật, hơn 100 cán bộ, nhân viên làm công tác môi trường được nâng cao năng lực về quản lý và thực hiện, 55.000 lượt người tham gia trực tiếp vào các hoạt động và 5 dữ liệu về quản lý môi trường được thiết kế.
5 dự án do USAID tài trợ trong khuôn khổ chương trình toàn cầu của USAID mang tên “Sáng kiến địa phương” được thực hiện nhằm hỗ trợ các dự án phát triển do địa phương dẫn dắt tại hơn 30 quốc gia trên thế giới:
Dự án “Chung tay Hành động Bảo vệ nguồn nước”, do Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) thực hiện trong giai đoạn 2020-2023 tại Đà Nẵng và Hội An.
Dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương”, do Trung tâm Hỗ trợ phát triển Xanh (Green Hub) triển khai trong giai đoạn 2020-2023 tại Đà Nẵng, Hội An và các khu vực xung quanh tỉnh Quảng Nam và tại Hà Nội.
Dự án “Chung tay hành động vì Không khí sạch”, do Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) thực hiện trong giai đoạn 2019-2022 tại Hà Nội và Đà Nẵng.
Dự án “Các hoạt động địa phương Việt Nam vì Sức khỏe môi trường”, do Viện Dân số, Sức Khỏe và Phát triển (PHAD) thực hiện trong giai đoạn 2017-2022 tại An Giang, Thanh Hóa, Hà Nam và Hà Giang.
Dự án “Không khí sạch – Thành phố xanh”, do tổ chức Live&Learn thực hiện trong giai đoạn 2017-2020 tại Hà Nội.
PV – Tạp chí Kinh tế Môi trường