03/04/2023 | Viết bởi: Báo Tài nguyên và Môi trường
(TN&MT) - Ngày 31/3, tại Khánh Hòa, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy và Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành chủ trì Hội thảo.
Sửa Luật Tài nguyên nước: Đảm tính thống nhất, đồng bộ, tránh giao thoa, chồng chéo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Quốc hội đã quyết định đưa dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới đây.
Thực hiện nhiệm vụ chủ trì thẩm tra dự án Luật theo phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã xây dựng Kế hoạch cụ thể; tổ chức khảo sát tại một số địa phương; đồng thời tổ chức các hội thảo, tọa đàm tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, hiệp hội… để lắng nghe được nhiều ý kiến về các nội dung, khía cạnh của dự án Luật.
Theo ông Lê Quang Huy, để góp phần bổ sung thêm những luận điểm khoa học nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, Hội thảo lần này được tổ chức nhằm lấy ý kiến góp ý cho các quy định của dự thảo góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả trung ương và địa phương khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết, việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước lần này nhằm cập nhật, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước. Trong đó, sửa đổi dự thảo Luật theo hướng bổ sung, hoàn thiện các chính sách đã ban hành và nghiên cứu tích hợp các quy định về quản lý nước vào trong một bộ luật về nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước.
Dự thảo Luật đã quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Tài chính... theo đúng chức năng nhiệm vụ đã được giao tại các luật có liên quan đến tài nguyên nước để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy và Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành chủ trì Hội thảo
Theo đó, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) bám sát vào 4 chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị Quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022, gồm: bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra và đề xuất sửa đổi bổ sung một số chính sách khác.
Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội theo Tờ trình số 37/2023 ngày 17/2/2023 gồm 10 chương và 88 điều, cơ bản vẫn giữ nguyên số chương như Luật Tài nguyên nước năm 2012; cụ thể giữ nguyên 10 điều, sửa đổi, bổ sung 62 điều, bổ sung mới 16 điều và bãi bỏ 8 điều.
Nhiều điểm mới trong dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)
Giới thiệu một số điểm mới của dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia xuyên suốt trong toàn bộ dự thảo Luật thông qua các quy định để đảm bảo về số lượng nước, chất lượng cho các mục đích sử dụng, đảm bảo hệ sinh thái và môi trường và giảm thiểu tác hại do nước gây ra. Đặc biệt, quy định cụ thể về điều hòa, phân phối tài nguyên nước, nhất là trong điều kiện hạn hán, thiếu nước (Điều 39, Điều 40).
Bổ sung các quy định nhằm đẩy mạnh xã hội hoá theo hướng những việc gì doanh nghiệp có thể làm được thì giao cho doanh nghiệp thực hiện, giảm nguồn lực đầu tư của nhà nước hướng tới nhà nước quản lý, doanh nghiệp thực hiện và dần dịch chuyển theo hướng nhà nước chỉ ban hành chính sách và hậu kiểm (Điều 14, Điều 38, Điều 72, Điều 73 và Điều 74).
Bổ sung quy định về nguồn lực cho bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, trong đó quy định rõ các nguồn lực để thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn nước (Điều 73); làm rõ các hoạt động ưu tiên xã hội hoá, chính sách xã hội hoá trong bảo vệ, phát triển tài nguyên nước (Điều 74).
Cùng với đó, chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế thông qua các quy định về phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm của người sử dụng nước (Điều 68, Điều 69).
Sửa đổi, bổ sung quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhằm tính đúng, tính đủ giá trị tài nguyên nước, trong đó, dự thảo Luật bổ sung thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với nước sinh hoạt và thu tiền theo lộ trình đối với sản xuất nông nghiệp (Điều 69, Điều 87).
Bổ sung điều “tích hợp hoạt động tài nguyên nước”, nhằm tính toán giá trị của nước trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội. Việc tính toán đầy đủ giá trị của nước là một trong những căn cứ để cơ quan có thẩm quyển xem xét, quyết định việc điều hòa, phân bổ và thực hiện các giải pháp bảo vệ tài nguyên nước trên các lưu vực sông (Điều 71).
Bổ sung các quy định về quản lý khai thác, sử dụng nước nhằm kiểm soát hoạt động khai thác, sử dụng nước phải phải đúng mục đích sử dụng, phù hợp với chức năng nguồn nước (Điều 26), khả năng của nguồn nước và đảm bảo dòng chảy tối thiểu trên sông, suối (Điều 28), ngưỡng khai thác nước dưới đất (Điều 29); quy định cụ thể về giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nước theo hướng kết nối, truyền dữ liệu tự động liên tục và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước (Điều 57).
Bổ sung các quy định về phòng, chống sạt, lở lòng bờ, bãi sông, hồ (Điều 66) và các quy định về việc lập, công bố danh mục hồ, ao, đầm phá không được san lấp (Điều 63) nhằm tăng cường việc bảo vệ các nguồn nước có chức năng điều hòa, phòng chống ngập úng, bảo vệ môi trường.
Quy định trách nhiệm của Bộ TN&MT, các Bộ, ngành địa phương, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng kịch bản ứng phó, điều hoà, phân bổ nguồn nước khi xảy ra hạn hán thiếu nước và thực hiện điều hòa, phân phối nguồn nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước (Điều 39, Điều 40).
Bổ sung các quy định nhằm phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả Trung ương và địa phương trong toàn bộ dự thảo Luật (Điều 79, Điều 80). Hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của nhà nước (Điều 42).
Đặc biệt, dự thảo Luật được xây dựng theo hướng tách bạch quản lý tổng hợp thống nhất về tài nguyên nước với quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước (công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, nông thôn, cấp nước công nghiệp dịch vụ, giao thông thủy...); đồng thời giải quyết những chồng chéo, đan xen, xung đột, có lỗ hổng trong các luật.
Ngoài ra, còn một số nội dung được chỉnh sửa, bổ sung mới như: hệ thống thông tin, dữ liệu tài nguyên nước (Điều 10); bảo vệ nước dưới đất (Điều 33); bổ sung nhân tạo nước dưới đất (Điều 43); các loại hình công trình khai thác, công trình sử dụng nước phải có giấy phép (Điều 47); phòng, chống hạn hán, lũ, lụt, ngập úng nhân tạo (Điều 63); phương án xử lý đối với các công trình khai thác sử dụng nước kém hiệu quả gây suy thoái cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước (Điều 36). Bỏ quy định về điều kiện của đơn vị tư vấn lập quy hoạch, điều tra cơ bản tài nguyên nước.
Nhiều doanh nghiệp, tổ chức khoa học đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật
Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá cao nội dung dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) do Bộ TN&MT xây dựng và cho rằng dự thảo Luật đã được sửa đổi, bổ sung đáp ứng các yêu cầu thực tiễn ngày càng gia tăng về khai thác tài nguyên nước, bảo vệ, phục hồi, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời phù hợp với các chủ trương, chính sách mới trong quản lý tài nguyên nước. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, công ty thủy điện, công ty khai thác công trình thủy lợi, các tổ chức khoa học đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật.
Toàn cảnh Hội thảo
Góp ý kiến cho điểm a, Khoản 3, Điều 28 của dự thảo Luật, ông Dương Tấn Tưởng, Phó Giám đốc Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh đề xuất bổ sung quy định về việc xác định dòng chảy trên sông, suối và hạ lưu hồ chứa phải đảm bảo các nguyên tắc sau: “Phải được thực hiện đối với từng vị trí cụ thể trên sông suối và phải đảm bảo tính hệ thống trên lưu vực sông, không lớn hơn lưu lượng đến hồ cùng thời điểm”. Vì nếu không có hồ chứa thì dòng chảy tối thiểu cũng chỉ bằng lưu lượng đến hồ.
Về nội dung đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, đại diện Công ty TNHH khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bình Định đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại các trường hợp phải đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước tại khoản 1, Điều 47 Dự thảo Luật đối với kênh, công trình ngăn kênh. Vì loại công trình này có số lượng rất nhiều, việc lập hồ sơ đăng ký, cấp phép cho tất cả các công trình này sẽ chồng chéo, rất phức tạp, mất thời gian và tốn kém kinh phí. Đồng thời đề nghị quy định đối với các công trình được xây dựng, đưa vào khai thác sử dụng trước khi có Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 ngày 21/6/2012 ra đời thì được lập thủ tục cấp phép đơn giản để tạo điều kiện cho các chủ thể khai thác công trình lập và trình Sở Nông nghiệp và PTNT hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương phê duyệt.
Theo bà Nguyễn Ngọc Lý, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, hiện nay, nhiều mô hình bảo vệ tài nguyên nước có sự tham gia của cộng đồng đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, đa số các mô hình đều mang tính thử nghiệm và tự quản, khả năng mở rộng, duy trì của các mô hình còn nhiều khó khăn do rào cản về thể chế, quản lý, tài chính và kỹ thuật.
Để thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong quản lý tài nguyên nước, bà Nguyễn Ngọc Lý kiến nghị bổ sung trong dự thảo Luật quy định về việc cộng đồng dân cư có quyền thành lập các hội, nhóm, tổ cộng đồng bảo vệ tài nguyên nước, làm cơ sở và và tạo điều kiện pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của các “tổ chức cộng đồng dân cư” ở địa phương. Bởi vì theo bà đây là quy định quan trọng để cộng đồng dân cư có thể tham gia một cách hợp pháp trong quản lý tài nguyên nước. Đồng thời thúc đẩy các sáng kiến của cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ tài nguyên nước cũng như việc xây dựng và duy trì các mô hình cộng đồng bảo vệ tài nguyên nước.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu tập trung cho ý kiến vào các nội dung: việc thực thi quy định của pháp luật về quản lý, khai thác, sử dụng nước, tài chính về nước trong lĩnh vực thủy điện và kiến nghị sửa đổi đối với Dự thảo Luật Tài nguyên nước; các quy định về khai thác, sử dụng nước đối với các công trình thủy lợi trong Dự thảo Luật Tài nguyên nước; Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ nguồn nước; Hoàn thiện thể chế chính sách thúc đẩy tuần hoàn tái sử dụng nước thải; quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức quản lý lưu vực sông, về nghĩa vụ đóng góp tài chính của các bên để bảo đảm hoạt động của tổ chức này;...
Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, sau 1 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, Hội thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan, đơn vị liên quan có sự chỉ đạo, quán triệt để triển khai khi Luật đi vào cuộc sống. Những ý kiến đóng góp đều tập trung vào các nội dung trọng tâm cần thiết để sửa đổi Luật Tài nguyên nước được tốt hơn.
Đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu và giải trình của cơ quan soạn thảo, ông Lê Quang Huy cho rằng, tất cả những ý kiến đóng góp cho việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước sẽ được cơ quan soạn thảo và thẩm tra tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu, rà soát để hoàn thiện trình Quốc hội xem xét, đóng góp ý kiến trong Kỳ họp thứ 5 tới.
Thủy Nguyễn