LÀM GÌ ĐỂ XÂY DỰNG ĐÀ NẴNG - THÀNH PHỐ MÔI TRƯỜNG?

12/10/2023 | Viết bởi: LTH

Quá trình xây dựng thành phố môi trường không thể không kể đến những đóng góp lớn của các tổ chức trong và ngoài nước. Một trong số đó là Trung tâm Nghiên cứu môi trường và Cộng đồng (CECR).

Thời gian qua, CECR đã có nhiều hoạt động phối hợp với Sở Tài Nguyên và Môi trường thành phố trong việc nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho người dân, trong đó có hai dự án lớn gồm: “Đại dương không nhựa - Chương trình thu gom, phân loại và tái chế chất thải rắn vì cộng đồng khỏe và thành phố xanh” (triển khai trong 2 năm) và “Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước” (triển khai trong 3 năm) với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

Theo bà Nguyễn Ngọc Lý, Chủ tịch Hội đồng Quản lý CECR, thành công lớn nhất của hai dự án là nhiều mô hình đã thật sự đi vào cuộc sống người dân như: ngư dân, tiểu thương thu gom, phân loại, tái chế rác thải tại Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang; thu gom, phân loại, tái chế rác thải tại các khu dân cư bền vững ở huyện Hòa Vang và quận Thanh Khê; cải tạo các bãi đất trống thành các vườn cây sử dụng được rác tái chế. Bên cạnh đó, hai dự án đã tạo ra được mạng lưới rất lớn quan tâm đến vấn đề và giải pháp bảo vệ môi trường, từ các cấp quản lý Nhà nước cho đến những cộng đồng doanh nghiệp, dân cư đều trực tiếp tham gia, thực thi nghĩa vụ bảo vệ môi trường.

“Thông qua truyền thông bằng hành động và tri thức, dự án đã thu hút người dân cùng bàn, cùng làm, cùng giám sát và xác định những vấn đề cần giải quyết ưu tiên tại khu dân cư. Từ đó, người dân được hiểu, được biết, được chỉ dẫn tận tình, cụ thể và khoa học các giải pháp bảo vệ môi trường”, bà Lý chia sẻ.

Bà Nguyễn Ngọc Lý, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Trung tâm Nghiên cứu môi trường và Cộng đồng (CECR) cho biết, riêng các loại rác tái chế (rác hữu cơ, rác thải nhựa, rác giấy) đã chiếm khoảng 90% các loại rác. Nếu phân loại và tái chế rác được thì không những tạo ra sản phẩm tái chế, tạo ra được công ăn việc làm, tạo ra nền kinh tế tuần hoàn mà chúng ta sẽ giảm thiểu đến 90% các loại rác ra bãi chôn lấp, từ đó ô nhiễm từ các bãi chôn lấp sẽ giảm đi.

Với nhiều năm triển khai các dự án bảo vệ môi trường tại Đà Nẵng, bà Lý đánh giá cao sự cam kết và khao khát xây dựng thành phố môi trường của cả chính quyền lẫn người dân Đà Nẵng. Theo bà, kinh tế Đà Nẵng phụ thuộc lớn vào môi trường (du lịch; khai thác thủy, hải sản; logistics). Nếu không bảo vệ được môi trường thì tình hình phát triển kinh tế sẽ không còn thuận lợi. Vì vậy, thành phố cần xem quản lý rác thải là công tác hàng đầu, là nhiệm vụ để bảo vệ các nguồn tài nguyên khác (đất, nước,…).

 

Theo: Báo điện tử Đà Nẵng