Hội thảo về Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý và bảo vệ nguồn nước tại Ba Vì

21/09/2022 | Viết bởi:

Hội thảo về mô hình cộng đồng quản lý và bảo vệ nguồn nước thông qua hương ước làng xã được chính quyền địa phương các xã giáp danh vườn Quốc gia Ba Vì đánh giá cao.

Ngày 20/9, Trung tâm Kinh tế Môi trường (Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam) phối hợp với Mạng lưới Bảo tồn nguồn nước Việt Nam (VIWACON) tổ chức Hội thảo “Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý và bảo vệ nguồn nước theo lưu vực Khu vực vườn Quốc gia Ba Vì, thí điểm tại thôn Dy, xã Minh Quang, huyện Ba Vì. Hoạt động nằm trong khuôn khổ sáng kiến “Xây dựng mô hình quản lý và bảo vệ nguồn nước theo lưu vực, ứng dụng thử nghiệm với khu vực vườn Quốc gia Ba Vì” thuộc dự án Chung tay Hành động Bảo vệ Nguồn nước do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam tài trợ và Trung tâm Nghiên Cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) triển khai thực hiện.

Tham dự chương trình Hội thảo có PGS.TS Trương Mạnh Tiến – Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên Hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Mạng lưới Bảo tồn nước Việt Nam; PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Kinh tế Môi trường; Th.S Phạm Thị Mai – Phó Giám đốc Trung tâm Kinh tế Môi trường; Đại diện Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng.

Toàn cảnh chương trình hội thảo xây dựng mô hình cộng đồng quản lý và bảo vệ nguồn nước theo lưu vực, khu vực vườn Quốc gia Ba Vì

Về phía chính quyền địa phương có ông Nguyễn Mạnh Thước – Phó Chủ tịch UBND xã Minh Quang, ông Dương Trung Phong – Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì, bà Nguyễn Thị Mai Yến – Phó Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh cùng hơn 100 đại biểu là người dân đang sinh sống tại thôn Dy, địa bàn các xã thuộc khu vực vùng đệm vườn Quốc gia Ba Vì.

Phát biểu khai mạc chương trình Hội thảo, PGS.TS Lưu Đức Hải đã  trình bày khái quát về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và môi trường khu vực vườn Quốc gia (VQG-PV) Ba Vì và vùng đệm.

Theo đó, khu vực rừng cấm VQG Ba Vì hầu như không có dân cư sống tập trung, nhưng ở các xã vùng đệm thì mật độ dân cư tương đối cao. Người dân các xã chủ yếu làm nông nghiệp trồng lúa nước và các cây hoa màu.

PGS.TS Lưu Đức Hải - Giám đốc Trung tâm Kinh tế Môi trường giải thích lý do lựa chọn khu vực vườn Quốc gia Ba Vì triển khai chương trình

Hoạt động kinh tế của người dân tại các xã vùng đệm VQG Ba Vì (phần lớn là trồng trọt và chăn nuôi) đã khiến môi trường chịu nhiều tác động, đặc biệt là nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.

Từ vấn đề trên, PGS.TS Lưu Đức Hải đã trình bày "Mô hình cộng đồng quản lý và bảo vệ nguồn nước khu vực VQG Ba Vì – Thí điểm tại xóm Dy, xã Minh Quang".

Qua nghiên cứu khái quát, vùng đệm VQG Ba Vì có diện tích 35.000 ha thuộc 15 xã của huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oại, Lương Sơn; trong đó 7 xã quan trọng nhất thuộc huyện Ba Vì bao quanh núi Ba Vì là: Khánh Thượng, Minh Quang, Ba Vì, Ba Trại, Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài.

Ông Nguyễn Mạnh Thước - Phó Chủ tịch UBND xã Minh Quang cho rằng cần nhân rộng mô hình cộng đồng quản lý và bảo vệ nguồn nước

Chất lượng nước sông suối khu vực Ba Vì ở độ cao trên 100m nhìn chung đều tốt (trừ hai điểm là hồ Tiên Sa chảy qua mỏ Đồng cốt 265 và suối Cái xã Minh Quang chảy qua mỏ Pirit Minh Quang). Chất lượng nước sông suối sau khi ra khỏi VQG chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của hoạt động dân sinh nên bị ô nhiễm khá cao.

Trước thực tế trên, nhóm nghiên cứu đã thực hiện thí điểm mô hình cộng đồng quản lý và bảo vệ nguồn nước tại thôn Dy, xã Minh Quang.

Thôn có 200 hộ dân với khoảng gần 1.000 nhân khẩu sinh sống và trong số đó là 80% số hộ là người dân tộc Mường, số còn lại là người Kinh và người Dao.

Ông Dương Trung Phong - Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì mong muốn các nhà tài trợ chung tay góp sức triển khai chương trình tại địa phương

Dân cư của thôn chủ yếu làm nghề sản xuất nông nghiệp với ba loại cây trồng chính là ngô, lúa, chè và một số vật nuôi truyền thống như lợn, gà mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Hệ thống thủy lợi tưới tiêu cho việc sản xuất nông nghiệp của thôn đều phụ thuộc chính từ hai con suối chảy từ VQG Ba vì cung cấp nguồn nước tưới cho cây trồng và từ đây chảy ra theo hệ thống suối thoát nước tới địa phận xã Ba Trại. Chất lượng môi trường nước có sự suy thoái rất lớn giữa đầu nguồn và và cuối nguồn nước thôn Dy.

Các tác nhân tác động đến nguồn nước chảy qua thôn Dy gồm: Chặn dòng lấy nước cho cá nhân hộ gia đình nuôi cá, chăn nuôi dẫn tới giảm lưu lượng nước; Xả nước thải chưa xử lý và rác thải xuống suối gây ô nhiễm dòng chảy; Kè lấn dòng chảy gây cản trở thoát nước về mùa mưa lũ.

PGS.TS Trương Mạnh Tiến giải đáp các vấn đề khúc mắc của người dân liên quan đến mô hình này

Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, điểm cốt lõi trong việc xây dựng mô hình cộng đồng quản lý và bảo vệ nguồn nước tại thôn Dy chính là xây dựng hương ước quy định tất cả các hoạt động của cộng đồng dân cư xóm Dy. Lấy hương ước làm cơ sở cho việc người dân thực hiện các hoạt động không gây ra các tác động tiêu cực đến nguồn nước.

Xử lý thí điểm nước thải chăn nuôi và nước thải sinh hoạt đối với một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế bằng hệ thống biogas để làm mẫu hình cho các hộ gia đình có điều kiện kinh tế tốt hơn học tập.

Đầu tư thí điểm các thùng rác và hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn nhằm ngăn chặn triệt để việc xả rác thải sinh hoạt và các chất thải xuống suối gây ô nhiễm nguồn nước, tạo ra phong trào cộng đồng thu gom và phân loại rác.

Các đại biểu chăm chú lắng nghe phần thuyết trình của PGS.TS Lưu Đức Hải về mô hình cộng đồng quản lý và bảo vệ nguồn nước

Quy định các hoạt động kè bờ, nắn chỉnh dòng chảy làm mất nguồn nước hay cản trở thoát nước về mùa mưa lũ (lấy theo quy định của TP.Hà Nội về quản lý dòng chảy kênh mương).

Ủy ban nhân dân cấp xã có tránh nhiệm chuyển hương ước, quy ước đã được phê duyệt để Trưởng thôn niêm yết, tuyên truyền, phổ biến đến từng thành viên trong cộng đồng dân cư và tổ chức thực hiện hương ước, quy ước.

Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội ở cơ sở chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện nghiêm chỉnh các nội dung của hương ước, quy ước; kiểm tra, phát hiện và kịp thời chấn chỉnh những sai trái, lệch lạc, tiêu cực trong việc thực hiện hương ước, quy ước, định kỳ báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp trên và Hội đồng nhân dân cùng cấp việc thực hiện hương ước, quy ước ở địa phương.

Các chuyên gia chụp ảnh lưu niệm chung cùng đại diện chính quyên địa phương, đơn vị tài trợ và các đại biểu tham dự chương trình

Hàng năm, cần tổ chức kiểm điểm việc thực hiện hương ước, quy ước. Trong trường hợp cần sửa đổi, bổ sung thì do Hội nghị cử tri hoặc Hội nghị đại biểu hộ gia đình thảo luận. Việc sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước cũng phải tuân theo trình tự, thủ tục như khi soạn thảo hương ước, quy ước mới.

Theo PGS.TS Lưu Đức Hải thì thành công lớn nhất của dự án là đã góp phần giúp nhân dân thôn Dy thống nhất xây dựng hương ước quản lý và bảo vệ nguồn nước. Hương ước gồm 12 điều, quy định về các chuẩn mực xử sự của các hộ gia đình, cá nhân trong thôn Dy về bảo vệ nguồn nước và vệ sinh môi trường nước trên địa bàn.

Phát biểu tại Chương trình, ông Nguyễn Mạnh Thước – Phó Chủ tịch UBND xã Quang Minh cho biết: “Từ lâu nay, chính quyền địa phương đã nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường đối với cuộc sống của con người. Địa phương đã xây dựng thành công nhiều mô hình bảo vệ môi trường tại các cụm dân cư trên địa bàn xã, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót.

Đối với thôn Dy, việc xây dựng được hương ước quản lý và bảo vệ nguồn nước là một thành công lớn. Để hương ước đi vào thực tiễn, trong thời gian tới chính quyền địa phương sẽ tổ chức vận động các gia đình lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang bảo vệ bờ suối tự nguyện tháo dỡ các công trình lấn chiếm. Cần thiết có thể tổ chức cưỡng chế nếu các gia đình không tự nguyện tháo dỡ các công trình lấn chiếm nguồn nước của cộng đồng.

Cũng theo ông Thước, mô hình quản lý và bảo vệ nguồn nước thông qua hương ước làng xã tại thôn Dy cần được nhân rộng trên địa bàn các thôn trên địa bàn xã Minh Quang nói riêng, các cộng đồng dân cư trong khu vực vườn Quốc gia Ba Vì qua đó góp phần bảo vệ nguồn nước nói riêng, bảo vệ môi trường sống, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân địa phương.

Sau khi nghe các ý kiến chia sẻ của các chuyên gia, ông Dương Trung Phong – Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì cho biết: “Ba Vì là xã nghèo nhất trong số 31 xã của huyện Ba Vì. Xã đã hoàn thành chương trình Nông thôn mới từ cuối năm 2021. Tuy nhiên trên địa bàn xã, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao. Cuộc sống người dân phần lớn dựa vào việc trồng trọt và chăn nuôi. Nước thải từ quá trình chăn nuôi, sinh hoạt, rác thải sinh hoạt được xả thẳng ra sông suối sau nhà nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại địa phương khá nghiêm trọng. Rất mong các nhà tài trợ quan tâm hỗ trợ địa phương xây dựng mô hình quản lý và bảo vệ nguồn nước như mô hình thí điểm tại thôn Dy góp phần thay đổi nhận thức của bà con, cải thiện môi trường sống, nâng cao chất lượng đời sống của người dân địa phương.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, PGS.TS Trương Mạnh Tiến chia sẻ, trả lời các ý kiến của người dân địa phương về các nghĩa vụ, quyền lợi của mình khi chung tay xây dựng mô hình quản lý và bảo vệ nguồn nước tại địa phương mỉnh sinh sống.

Sau phần giải đáp của PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ban tổ chức chương trình đã đưa các đại biểu, đại diện đơn vị tài trợ đi thăm mô hình quản lý và bảo vệ nguồn nước tại thôn Dy.

 Bài gốc

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường