22/06/2023 | Viết bởi: Minh Anh
Ngày 21-6, tại Đà Nẵng diễn ra Hội thảo quốc tế “Sáng kiến địa phương – Hợp tác và Phát triển vì Môi trường Việt Nam” với sự tham gia của 120 đại biểu trong và ngoài nước.
Hội thảo nhằm tổng kết, chia sẻ các kết quả và bài học của quá trình thúc đẩy sự tham gia của các bên, các ngành, đặc biệt là cộng đồng dân cư và doanh nghiệp cùng chung tay giải quyết các vấn đề môi trường như bảo vệ nguồn nước, quản lý rác thải, cung cấp nước sạch, và bảo vệ môi trường không khí tại địa phương. Từ đó đưa ra các khuyến nghị cho phát triển và triển khai các dự án trong tương lai nói chung và của TP Đà Nẵng nói riêng, đồng thời tăng cường hợp tác giữa các đối tác để hỗ trợ triển khai hiệu quả Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường”.
Các địa phương của Đà Nẵng tiếp nhận bàn giao các sản phẩm sáng tạo về bảo vệ môi trường
Đối với dự án giảm thiểu rác thải nhựa và các giải pháp địa phương, theo Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh GreenHub, trong 3 năm, đơn vị đã làm việc cùng 492 đối tác địa phương trong đó có 175 doanh nghiệp. Với số lượng đối tác lớn, đa dạng như vậy, thách thức mà đơn vị gặp phải không ít. Tuy vậy, việc tôn trọng đối tác, hai bên cùng có lợi và cùng hướng đến mục tiêu chung là những phương châm được đặt lên hàng đầu. Bởi vậy, bên cạnh nguồn lực tài chính từ nhà tài trợ, dự án đã huy động thêm hơn 70.000 USD từ các đối tác khác.
“21 mô hình/sáng kiến giảm rác thải nhựa thí điểm đã được triển khai với đa dạng hình thức như mô hình chợ sinh thái, khu dân cư giảm rác thải nhựa, trường học xanh hay chùa tuần hoàn rác. Tất cả các ý tưởng này đều đến từ các đối tác địa phương phù hợp với thực tế và sản phẩm kinh doanh tuân theo cơ chế thị trường vì vậy những mô hình này sẽ phát triển một cách bền vững dù cho dự án có kết thúc”, bà Nguyễn Thị Thanh Vân cho hay.
Tại Hội thảo, ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng cho biết, giai đoạn 2020 – 2025, địa phương đã tiếp nhận, chủ trì tham mưu tổ chức triển khai 3 dự án hỗ trợ kỹ thuật về công tác bảo vệ môi trường thuộc Chương trình Sáng kiến Địa phương (Local Works) của USAID khởi xướng và được các tổ chức kỹ thuật thực hiện. Cụ thể, hơn 25 sáng kiến về bảo vệ môi trường được nghiên cứu, 14 đối tác địa phương trực tiếp xây dựng, 19 tổ chức được huy động, 4 tổ chức khoa học kỹ thuật, hơn 100 cán bộ, nhân viên làm công tác môi trường được nâng cao năng lực về quản lý và thực hiện, 55.000 lượt người tham gia trực tiếp vào các hoạt động và 5 dữ liệu về quản lý môi trường được thiết kế.
Dịp này, các sản phẩm thực hành tốt về ngăn ngừa ô nhiễm nguồn nước, giảm thiểu rác thải nhựa được bàn giao cho các đối tác địa phương tại Đà Nẵng.
Minh Anh