Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Đà Nẵng: Tập huấn nâng cao kỹ năng xây dựng và thực hiện dự án hỗ trợ trong lĩnh vực môi trường

21/09/2022 | Viết bởi:

(DSA) – Xây dựng Đà Nẵng trở thành Thành phố môi trường (tầm nhìn 2020-2030) với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, cơ bản đạt đươc các tiêu chí để ra, và có lộ trình để đến năm 2030, đạt các tiêu chí về đô thị sinh thái; đã và đang đặt ra yêu cầu cao về năng lực chuyên môn của đội ngũ chuyên viên, cán bộ, công chức đang làm việc ở các cơ quan quản lý nhà nước (lĩnh vực Tài nguyên – Môi trường), hay làm việc ở các cơ quan có liên quan.

Bên cạnh sự quan tâm và đầu tư của Chính quyền thành phố, Đà Nẵng cũng là địa phương (đã và ) đang thu hút sự quan tâm đồng hành, thể hiện qua hàng loạt (dự án của) các nhà tài trợ quốc tế, bao gồm cả các Tổ chức Phi Chính phủ (NGO). Bao gồm các chương trình, dự án nghiên cứu, thí điểm về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý rác thải bền vững và chống rác thải nhựa.

Chính vì vậy, yêu cầu về kỹ năng xây dựng và thực hiện dự án hỗ trợ trong lĩnh vực môi trường (với góc độ tiếp nhận hỗ trợ từ bên ngoài), càng trở thành vấn đề rất cấp thiết cho đội ngũ cán bộ, công chức, chuyên viên thực thi trách nhiệm.

Hầu hết các anh chị học viên đã có nhiều năm gắn bó tâm huyết với lĩnh vực Môi trường

Trong đó, song hành phải thực thi hai nhiệm vụ khá nặng nề, đó là vừa thúc đẩy thực hiện các dự án môi trường có sự tham gia của yếu tố nước ngoài, trong mối tương quan – tương tác và liên kết được với các nhiệm vụ trọng tâm đã được Chính quyền thành phố giao. Đặc biệt, phải duy trì và phát triển các kết quả thực hiện dự án trong thời gian tiếp theo.

Ngày 21/9/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng đã tổ chức khóa tập huấn về kỹ năng xây dựng và thực hiện dự án hỗ trợ trong lĩnh vực môi trường. Hai Giảng viên chính của khóa tập huấn là hai Chuyên gia hàng đầu, giàu kinh nghiệm: TS. Nguyễn Khắc Hùng, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR); và TS. Ngô Huy Liêm, Cố vấn cao cấp Mạng lưới Bảo tồn nguồn nước (VIWACON).

TS. Nguyễn Khắc Hùng, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng lên lớp (sáng 21/9)

Khóa tập huấn lần này vừa giới thiệu tổng quan về quản lý dự án và quy trình dự án; vừa tập trung trang bị công cụ và kỹ năng phân tích, xác lập mục tiêu dự án; gợi ý phương pháp/mô hình xây dựng dự án mang tính khả thi; giới thiệu kỹ thuật quản lý, giúp thực hiện, theo dõi, giám sát và đánh giá hiệu quả dự án hỗ trợ trong lĩnh vực môi trường. Qua đó, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân tham gia lĩnh vực quan trọng này tại địa bàn thành phố Đà Nẵng.

“Hai Thầy là Giảng viên chính của khóa tập huấn sẽ cùng làm việc với anh chị em học viên trọn khóa học, qua đó, giúp học viên hiểu và vận dụng được qui trình nhận, quản lý và thực hiện dự án từ các nhà tài trợ.

Thời lượng được phân bổ cho khóa tập huấn là Giảng viên trình bày ngắn gọn nội dung (khoảng 30% thời lượng), dành thời gian để học viên thực hành kỹ năng (65-70% thời lượng) cá nhân và theo nhóm học tập; tổng kết nội dung tập huấn (5%).

Chúng tôi hy vọng rằng, khóa tập huấn sẽ góp phần nâng cao công tác nghiệp vụ chuyên môn, tăng cường kết nối giữa các đơn vị trên địa bàn thành phố trong thực thi nhiệm vụ quản lý môi trường; đồng thời hỗ trợ thiết thực, giúp anh chị em học viên trong xây dựng, phát triển dự án, rồi thực hiện dự án, sau đó là cả quá trình theo dõi và giám sát hiệu quả của dự án môi trường mà nhà tài trợ đã quan tâm dành cho địa bàn Đà Nẵng”, bà Nguyễn Thị Kim Hà – Phó Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng), chia sẻ.

Phát biểu khai mạc lớp tập huấn của bà Nguyễn Thị Kim Hà – Phó Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng)

Truyền thông và kết nối các bên liên quan cũng là một nội dung được đưa vào chương trình huấn luyện lần này với các kỹ năng theo chủ điểm hành động hoặc đáp ứng yêu cầu theo mục tiêu như “Quản lý truyền thông dự án”; “Chiến lược truyền thông”, “Chiến lược nội dung” ; “Chiến lược thu hút”; “Chiến lược sử dụng các phương tiện truyền thông”và “Kế hoạch thực hiện truyền thông”.

Được biết, từ năm 2021, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành quyết định số 1099/QĐ-UBND về phê duyệt đề án “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường” giai đoạn 2021 – 2030, trong đó yêu cầu “Tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường” được xác định là 1 trong 4 giải pháp trọng tâm nhằm xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ đề án đặt ra.

Học viên thực hành với bài tập Nhóm đầu tiên

Bài gốc

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Đà Nẵng