HỘI THẢO QUỐC TẾ VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG VỚI CHỦ ĐỀ “ĐỊA PHƯƠNG HÓA VÀ HỢP TÁC HIỆU QUẢ VÌ ĐÀ NẴNG - THÀNH PHỐ MÔI TRƯỜNG 2021 – 2030”  

24/09/2022 | Viết bởi: LTH

Ngày 23/9/2022 tại Đà Nẵng, Sở Tài nguyên Môi trường (TN&MT) Đà Nẵng phối hợp cùng với Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) tổ chức chương trình Hội thảo quốc tế về Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng với chủ đề “Địa phương hóa và Hợp tác hiệu quả vì Đà Nẵng - thành phố môi trường 2021 – 2030” trong khuôn khổ dự án Chung tay hành động Bảo vệ Nguồn nước do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.  

Hội thảo được chủ trì bởi ông Võ Nguyên Chương – Phó Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng, có sự tham gia của đại diện nhà tài trợ USAID Việt Nam – bà  Ann Maxine Wallace, Giám đốc Phòng Biến đổi khí hậu, Năng lượng và Môi trường và sự tham gia của gần 100 đại biểu đến từ các sở/ngành/tổ chức chính trị xã hội của Đà Nẵng; các tổ chức quốc tế; tổ chức khoa học xã hội và các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, hợp tác quốc tế. Hội thảo đã tập trung thảo luận và xác định những cơ hội hợp tác đối tác trong việc góp phần đa dạng hoá nguồn vốn, xã hội hóa nguồn lực để thực hiện đề án Thành phố Môi trường Đà Nẵng với cách tiếp cận địa phương hoá.  

 

 

Đà Nẵng là địa phương duy nhất của Việt Nam đi tiên phong trong phát triển theo định hướng thành phố môi trường. Với đề án Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường, giai đoạn 2021 – 2030 được UBND Thành phố ban hành vào 02/04/2021, Đà Nẵng sẽ ưu tiên giải quyết các vấn đề môi trường trọng tâm, trọng điểm, kiểm soát tốt chất lượng môi trường; đến năm 2030, thiết lập được hệ thống quản lý môi trường theo nền tảng sinh thái.  

Chương trình Sáng kiến Địa phương (Local Works) là một trong những chương trình tiên phong của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trong việc tăng cường hợp tác với các đối tác tại địa phương và lấy đối tác địa phương là trung tâm để hỗ trợ giải quyết các thách thức của địa phương nhằm giảm ô nhiễm môi trường thông qua các hành động chung tay.  

Phát biểu tại Hội thảo, đại diện USAID Việt Nam, bà Ann Maxine Wallace, Giám đốc Phòng Biến đổi khí hậu, Năng lượng và Môi trường chia sẻ: “Địa phương hóa là một trong những ưu tiên của USAID. Tôi thực sự tin tưởng sự kiện đặc biệt này sẽ mang lại một cái nhìn và cách tiếp cận mới cho Đà Nẵng trong việc đa dạng hóa các nguồn lực để giải quyết các vấn đề môi trường của mình. Bên cạnh đó, Hội thảo này sẽ là một bước tiến lớn thể hiện sự chung tay và cam kết của các bên liên quan trong đóng góp xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường trong tương lai”. 

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ hợp tác ký ngày 4/6/2021 giữa Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng và Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng về việc thực hiện dự án Chung tay hành động Bảo vệ Nguồn nước (CAWACON) do USAID tài trợ.  

Các dự án nhận tài trợ trong khuôn khổ Sáng kiến Địa phương của USAID tại Việt Nam gồm: Dự án “Chung tay Hành động Bảo vệ nguồn nước - CAWACON (CECR); Dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương” - LSPP (Green Hub); Dự án Các hoạt động địa phương Việt Nam vì Sức khỏe môi trường (PHAD); Dự án “Chung tay vì Không khí sạch” - CAfCA (Live&Learn). Trong đó có ba dự án đang trực tiếp hợp tác chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, cũng như Chi cục Bảo vệ Môi trường Đà Nẵng bao gồm CAWACON, LSPP và CafCA. 

Dự án “Chung tay Hành động Bảo vệ Nguồn nước” do CECR triển khai từ 2020-2023 được tài trợ bởi USAID tại Việt Nam nhằm hỗ trợ mạng lưới các tổ chức phi chính phủ Việt Nam, doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, hiệp hội và các cá nhân quan tâm đến bảo tồn và bảo vệ nguồn nước mặt của Việt Nam trong đó tập trung thúc đẩy các sáng kiến bảo vệ nguồn nước, kiểm soát ô nhiễm nước và sử dụng nước thông minh dựa vào cộng đồng tại Đà Nẵng và Hà Nội, hỗ trợ hoàn thiện và thực thi chính sách về bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm nước hiệu quả. Tại Đà Nẵng, Dự án được thực hiện với mục tiêu Nâng cao nhận thức và thúc đẩy các sáng kiến giảm thiểu ô nhiễm nước, huy động nguồn lực và sự tham gia của các bên liên quan và cộng đồng trong ngăn ngừa các nguồn ô nhiễm từ nước thải và rác thải, nhằm bảo vệ chất lượng các nguồn nước mặt tại thành phố Đà Nẵng. Đặt biệt, Dự án trọng tâm hướng đến góp phần triển khai hiệu quả Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường giai đoạn 2021 - 2030”. 

Một số hình ảnh hội thảo: